Với mục tiêu đến năm 2020 trồng một triệu cây xanh, TP Hà Nội đã ra quân trồng mới nhiều loại cây. Đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xanh hóa đô thị, tạo cảnh quan, diện mạo mới cho Thủ đô, giảm bớt tác động môi trường cũng như hiệu ứng nhà kính đô thị. Tuy nhiên, câu chuyện trồng cây gì, ở đâu và trồng như thế nào vẫn còn gây lúng túng ở nhiều địa phương.
Theo quy định, cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị được thiết kế gồm ba loại: cây xanh công viên, cây xanh vườn hoa và cây xanh đường phố. Đồng thời, cây xanh sử dụng công cộng phải được gắn kết chung với các loại cây xanh sử dụng hạn chế, cây xanh chuyên môn và vành đai xanh ngoài đô thị (kể cả mặt nước) thành một hệ thống hoàn chỉnh, liên tục. Quy hoạch và trồng cây xanh công cộng không được làm ảnh hưởng giao thông, làm hư hại công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gây nguy hiểm tới con người và môi trường sống của cộng đồng. Quy định như vậy, nhưng triển khai lại khác hoàn toàn. Chẳng hạn như đưa cây phượng (thích hợp với đại lộ, công viên) trồng trên dải phân cách các tuyến phố nội đô Hà Nội có mật độ giao thông lớn (đường Trần Khát Chân – Ô Chợ Dừa, Giải Phóng, Láng Hạ,…); đưa cây hoa sữa vào trồng ở Đà Nẵng, Trà Vinh,… TP Hải Phòng một thời gian thay thế cây phượng bằng cây gạo gai, rồi lại quay về trồng phượng, khiến “thành phố hoa phượng đỏ” bây giờ hầu hết chỉ còn những cây phượng trung bình và nhỏ.
Không phải ngẫu nhiên, Hà Nội có những hàng xà cừ xanh mướt tại phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu hay hàng sao đen thẳng tắp tại phố Lò Đúc. Có thể xuất xứ của nhiều chủng loại cây xanh không phải của Việt Nam, nhưng phải phù hợp điều kiện tự nhiên và khí hậu mới được đem vào trồng. Do vậy, không thể thấy loại cây đẹp ở thành phố này mà tùy tiện đem trồng ở đô thị khác. Việc thiết kế, quy hoạch cây xanh đô thị là một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Một vấn đề nữa là số lượng, chủng loại cây xanh đô thị hiện nay dường như quá nhiều. Riêng TP Hà Nội lựa chọn khoảng 30 loại cây để trồng. Đành rằng, đa dạng sinh thái, mỹ quan đường phố là cần thiết, nhưng cần sàng lọc và tính toán ảnh hưởng của các loại cây trồng đến lĩnh vực khác, sự phù hợp của chúng trước những tác động ngày càng khó lường của thời tiết, nhất là mùa mưa bão. Đó là chưa kể lãng phí từ việc ươm giống, trồng, chăm sóc, cắt tỉa, hằng năm tiêu tốn một khoản ngân sách lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ở Singapore, với mật độ dân số thuộc hàng cao nhất thế giới, cho dù có khoảng 2.000 loại cây, nhưng để áp dụng cho đô thị, chỉ có khoảng năm loài với số lượng khoảng hai triệu cây. Đất nước này xây dựng hẳn một Bộ Quy tắc cây xanh, trong đó có yêu cầu, tiêu chuẩn rất chặt chẽ đối với việc trồng và chăm sóc các loại cây xanh trên đường phố, vườn nhà, các bãi đậu xe,… Những loại cây này đã được nghiên cứu, lựa chọn cẩn thận, bảo đảm phù hợp khí hậu, cảnh quan và có sức chống chọi tốt với điều kiện khí hậu nhiều dông bão.
Quy hoạch cây xanh là cần thiết và quan trọng trong quá trình phát triển đô thị bền vững. Để đạt được các mục tiêu toàn diện, các cơ quan quản lý cần chuẩn bị kỹ lưỡng, không chỉ “gói gọn” trong phạm vi một thành phố, mà còn chuẩn hóa trên toàn quốc, có tính đến đặc thù văn hóa, khí hậu, kinh tế… của từng địa phương, cũng như diện mạo đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị,… Phong trào trồng và chăm sóc cây xanh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và nét đẹp văn hóa này được người dân cả nước hưởng ứng hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, cần xây dựng thêm chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động trồng cây vì từ trước đến nay, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách. Đồng thời nghiên cứu, phát triển những loại cây trồng thích hợp với từng quy hoạch đô thị và tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định sử dụng các loài cây trong các công trình công cộng, bảo đảm mỹ quan, tránh lãng phí, phù hợp xu thế phát triển xanh, bền vững của các đô thị.
Nguồn nhandan.com.vn